Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

Vinacomin lên kế hoạch giảm về 4.000 lao động

Theo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch sản xuất kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm 2016 của Tập đoàn Than & Khoáng sản (Vinacomin) tại hội nghị sơ kết mới đây, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn hơn so với cùng kỳ năm 2015 trên hầu hết các lĩnh vực hoạt động.

Kinh doanh khó khăn, doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm... khiến Tập đoàn Than & Khoáng sản (Vinacomin) phải tính chuyện cắt giảm 4.000 lao động trong năm nay.




Cụ thể là việc phải cạnh tranh với than nhập khẩu giá thấp, giá bán alunmin, hydrat giảm sâu trong khi thuế phí tăng… Vinacomin đã phải cắt giảm sản lượng, khiến các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận đều giảm so với cùng kỳ. Tập đoàn này cũng khẳng định sẽ quyết liệt tái cơ cấu, tinh giản lao động, tăng năng suất… Kế hoạch cụ thể được đưa ra là cắt giảm 4.000 lao động trong năm 2016.
vinacomin-len-ke-hoach-giam-4000-lao-dong
Vinacomin lên kế hoạch giảm 4.000 lao động trong năm nay do kinh doanh sa sút. Ảnh: P.V
Chia sẻ với VnExpress về kế hoạch cắt giảm lao động, Phó tổng giám đốc Vinacomin - Nguyễn Văn Biên cho biết kế hoạch tái cơ cấu của tập đoàn đã đặt ra việc cắt giảm lao động và nâng cao hiệu quả, tăng năng suất. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, quá trình này cần phải được đẩy nhanh hơn.
Số liệu trước đó cho thấy doanh thu 9 tháng của Vinacomin ở mức 71.460 tỷ đồng, riêng doanh thu từ than là 36.900 tỷ, giảm 2% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân người lao động là hơn 8,4 triệu đồng một tháng, riêng khối sản xuất than là trên 9 triệu đồng. So với cuối năm 2015, mức thu nhập này giảm hơn nửa triệu đồng.
9 tháng qua, sản lượng than nguyên khai thực hiện chỉ đạt 67% kế hoạch năm, tương đương 26,7 triệu tấn. Trong khi lượng than tiêu thụ của tập đoàn đạt 25,7 triệu tấn (bằng 80% kế hoạch), thì than tồn kho lên tới 10,8 triệu tấn, với 8,9 triệu tấn than sạch.
Trước những khó khăn của tập đoàn than lớn nhất nước, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng mới đây đã yêu cầu các bộ, ngành đưa ra giải pháp "giải cứu". Lãnh đạo Chính phủ lưu ý các giải pháp đưa ra, đặc biệt là thuế (thuế suất, giá tính thuế tài nguyên và nhập khẩu than...) phải đảm bảo tính cạnh tranh, giữ vững thị trường cho ngành than.
Phó thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ đề xuất cơ chế xuất khẩu than cho giai đoạn 2016-2020 để ngành chủ động điều hành sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động... 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét