Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

Trách nhiệm của 1 doanh nhân


Dưới đây là những chia sẻ của doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh - CEO của Saigon Books gửi đến độc giả VnExpress nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.

Bên cạnh những vai trò xã hội, làm doanh nhân quan trọng nhất phải trách nhiệm với chính mình - với tư cách là một con người trưởng thành, có ước mơ, hoài bão, có lý tưởng sống, chứ không chỉ giàu có về vật chất.

Một doanh nhân nổi tiếng, đạt được nhiều giải thưởng danh giá đã từng tâm sự: "Nếu bạn là doanh nhân và còn đang kinh doanh trên thương trường thì đừng vội nói rằng mình là doanh nhân thành công".

Tôi ngẫm thấy "triết lý" trên rất đúng, đặc biệt trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay khi kinh doanh gắn liền với rủi ro. Tôi nghe những câu chuyện hậu trường của các ngân hàng, nhiều đêm về ngủ không yên, cảm thấy bất an nhưng cũng không biết phải làm sao. Và rồi, tôi tự trấn an mình cứ tập trung điều hành kinh doanh cho tốt. Nhiều doanh nhân già dặn kinh nghiệm thương trường đang bước đi thận trọng.
trach-nhiem-cua-doanh-nhan
CEO Nguyễn Tuấn Quỳnh. 
Hiện nay, khởi nghiệp đang được nhìn nhận như một phong trào với nhiều tiếng nói khen chê. Mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, tôi thấy đâu đó vẫn còn xa xôi lắm. Nhưng khi lắng nghe các dự án khởi nghiệp, tôi lại cảm nhận rất rõ nhiệt huyết, đam mê và quyết tâm của những người trẻ.
Họ mơ mộng nhưng thực tế và không nghĩ mình khởi nghiệp vì phong trào. Rất nhiều bạn đề cao giá trị - thái độ kinh doanh tử tế. Thương trường khắc nghiệt, khởi nghiệp khó tồn tại quá 3 năm nhưng nhiều bạn trẻ vẫn đang hăm hở lập công ty, lập nghiệp. Họ làm điều này không phải để được gọi là doanh nhân mà là để khẳng định mình.
Hiện nay, vai trò của doanh nhân đã được đề cao hơn. Các cuộc trao đổi với chính quyền đã không chỉ dành cho việc than van, kêu khó, kể khổ mà đã là những dịp để doanh nhân đóng góp sáng kiến, hiến kế cho lãnh đạo địa phương làm tốt hơn chức trách của mình. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã rõ ràng và thiết thực hơn. Nhưng còn đó những yếu kém về hạ tầng, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính, chất lượng đội ngũ công chức... là những rào cản để kinh tế phát triển.
Không chỉ đòi hỏi từ chính quyền và cộng đồng, người doanh nhân cũng phải ý thức rõ trách nhiệm của mình. Tôi cho rằng, là doanh nhân, anh phải có trách nhiệm với đội ngũ cán bộ công nhân viên và gia đình họ; trách nhiệm với xã hội về chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà công ty cung cấp; trách nhiệm với Nhà Nước về những nghĩa vụ bắt buộc phải tuân thủ; trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng - trong khả năng có thể được, để làm giảm bớt nỗi đau. Và quan trọng nhất - trách nhiệm với chính mình - với tư cách là một con người trưởng thành, có ước mơ, hoài bão, có lý tưởng sống là mong muốn trở thành một người có ích, có giá trị chứ không chỉ giàu có về vật chất.
Doanh nhân sống có trách nhiệm với bản thân là điều không dễ dàng. Bởi công việc của doanh nhân thường rất nhiều, đi công tác triền miên, việc chăm lo sức khoẻ bị bỏ bê với lời nguỵ biện: xong chuyến này sẽ tập tành trở lại. Ngay cả lịch khám sức khoẻ định kỳ, cá nhân tôi cũng bị đồng nghiệp nhắc vài lần rồi vẫn chưa thực hiện. Cơ bản là lười và thiếu trách nhiệm với bản thân. Rồi công cuộc giảm cân, quyết tâm "to" nhưng ăn uống thả dàn, không kiềm chế nên ngày càng tăng trọng.
Và giấc mơ sống chậm, để có thời gian chiêm nghiệm, để biết mình đang sống chứ không phải tồn tại - tưởng dễ mà có làm được đâu. Nhịp đời cuốn mình trôi, trôi mãi... Thậm chí, thời gian dành cho gia đình, đôi khi muốn có nhiều thời gian hơn cho con, cũng không làm được như dự định. Ngay cả việc nuôi dưỡng một tâm hồn đẹp, xem tiểu thuyết, đọc thơ ca, đọc những cuốn sách khơi gợi tính người, sự cao thượng... cũng hoàn toàn mang tính ngẫu nhiên, hú hoạ. Một cuộc sống cân bằng luôn là ngôi sao lấp lánh trên cao mà nhiều doanh nhân như chúng tôi với hoài chưa tới.
Nói tóm lại, doanh nhân - nếu như vẹn toàn được trách nhiệm với người và với mình thì lúc đó mới được xem là thành công thật sự.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét